Vì sao lại là nhượng quyền? 6 bước để kinh doanh nhượng quyền và mở chuỗi thành công

Nhượng quyền thương mại là một hình thức kinh doanh không quá mới nhưng nhiều người vẫn còn chưa hiểu rõ hết. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về Nhượng quyền cũng như các ưu – nhược điểm, cách thức hoạt động và cả cách mô hình kinh doanh này vực dậy một chuỗi đồ ăn nhanh đang gặp rất nhiều khó khăn tưởng chừng khó trụ nổi.

Nhượng quyền là gì?

Khái niệm nhượng quyền

Nhượng quyền (Franchise) có thể hiểu là một hình thức hợp đồng kinh doanh của cá nhân hoặc tổ chức với hai chủ thể chính là bên nhượng quyền và bên nhận nhượng quyền. Ở đó, bên nhượng quyền sẽ cho phép bên nhận nhượng quyền được sử dụng các quyền sở hữu của mình và giữ bí mật về toàn bộ thông tin như thương hiệu, sản phẩm hoặc dịch vụ, quy trình đào tạo, quy tắc quản lý tài chính… Bên nhận nhượng quyền sẽ trả tiền phí dịch vụ hoặc được chia tỷ lệ doanh thu để tiến hành trực tiếp kinh doanh.

Về khía cạnh kinh doanh, nhượng quyền chính là hình thức chúng ta nhân chuỗi mô hình kinh doanh của mình ra thật nhiều điểm để tăng quy mô, tối ưu doanh thu và lợi nhuận đồng thời tạo thêm nhiều giá trị cho cộng đồng. Có thể nói đây là xu hướng phát triển hiện nay. Nhưng không phải ai đi theo hướng này cũng thành công.

Quan điểm của chuyên gia về nhượng quyền.

“Chuỗi là một cuộc chơi phức tạp. Chúng ta cần tiến từng bước một, chậm mà chắc. Nếu bạn không thể hình dung được cửa hàng tiếp theo mình mở ra sẽ như thế nào, việc nhân chuỗi trở nên cực kỳ rủi ro”. Trích sách Nhân chuỗi cửa hàng – 9 bước tinh gọn với công thức “CỘNG – TRỪ – NHÂN – CHIA”.

Đó là chia sẻ của anh Phùng Thanh Ngọc – Chuyên gia tư vấn nhân bản và nhượng quyền chuỗi bán lẻ hàng đầu Việt Nam. Anh cũng là Chuyên gia viết sách số 1 về chuỗi, tác giả của cuốn sách Nhân chuỗi cửa hàng – 9 bước tinh gọn với công thức “CỘNG – TRỪ – NHÂN – CHIA”, Founder của Retail Hub Việt Nam.

Phân biệt nhượng quyền với mô hình kinh doanh truyền thống

Khác biệt lớn nhất để phân biệt hình thức kinh doanh nhượng quyền với mô hình kinh doanh truyền thống hoặc mô hình chuỗi tự mở khác chính là quyền sở hữu, vai trò quản lý cũng như lợi ích thu về.

Khi tự mở thêm điểm bán, chúng ta sẽ có quyền sở hữu toàn bộ tài nguyên của mình, tự lo khâu vận hành, quản lý dòng tiền và được hưởng toàn bộ lợi ích của công việc kinh doanh đó (doanh thu, lợi nhuận, danh tiếng, tiền, cảm giác làm chủ…). Tất nhiên nếu mọi chuyện không thuận lợi như vậy, chúng ta cũng chính là người phải giải quyết hậu quả, chịu thua lỗ hoặc phải đánh đổi nhiều thứ tự do để quản lý chuỗi của mình.

Còn kinh doanh nhượng quyền lại khác, mọi thứ đều được chia sẻ. Chúng ta chia sẻ cơ hội, tăng cường hợp tác, gia tăng cơ hội thành công cho các bên và tất nhiên là chia sẻ cả lợi nhuận, danh tiếng. Điều quan trọng là chúng ta đều được phát huy tối ưu thế mạnh cũng như đam mê của mình mà không phải “gồng” trong tất cả các vai trò. 

Kinh doanh nhượng quyền có lãi không?

– Phải tự mở điểm bán mới lãi chứ kinh doanh nhượng quyền lãi được bao nhiêu?

– Cứ mở ra nhiều điểm bán nhượng quyền rồi lợi nhuận bị xé nhỏ chẳng còn là bao.

Đó là một vài hiểu lầm của mọi người về hình thức kinh doanh này. 

Đúng là tự mở thêm điểm bán thì chúng ta sẽ toàn quyền hưởng lợi. Nhưng với tiềm lực nhỏ, thiếu kinh nghiệm quản lý và vận hành, rất nhiều rào cản khiến mục tiêu chuỗi xa tầm tay. Kinh doanh nhượng quyền sẽ giúp nhiều người chạm đến ước mơ kinh doanh phát đạt, mở chuỗi lớn, tăng trưởng doanh thu đột biến mà chi phí không tăng nhiều. Điều này có thật không?

“Trong phát triển chuỗi luôn có một thời điểm gọi là “Điểm bùng phát”. Khi đạt được điểm bùng phát này rồi (con số ước chừng là 7-8 cửa hàng), lợi thế theo quy mô xuất hiện.

Sau khi đạt được điểm bùng phát, việc nhân bản và quản lý chuỗi trở nên tự động và không tốn nhiều nguồn lực, nghĩa là chi phí quản trị không tăng nhưng doanh thu liên tục tăng.”. Anh Phùng Thanh Ngọc có khẳng định trong cuốn sách Nhân chuỗi cửa hàng.

Ngoài ra, ngay cả khi chưa đạt điểm bùng phát, người kinh doanh vẫn có 4 nguồn lãi từ hoạt động kinh doanh nhượng quyền như sau:

Phí nhượng quyền (Franchise fee)

Đây là khoản phí theo thỏa thuận ban đầu mà người nhận nhượng quyền cần trả để có thể bắt đầu kinh doanh bằng mô hình đã được chuẩn hóa của bên nhượng quyền. Số tiền bạn nhận được trên mỗi hợp đồng sẽ tương ứng với sản phẩm/dịch vụ mà bạn lựa chọn kinh doanh.

Phí bản quyền (Royalty fee)

Phí này là thỏa thuận của hai bên trong một số trường hợp có sản phẩm/dịch vụ hay mô hình đặc thù. Người mua nhượng quyền phải trả cho người bán phí bản quyền tương ứng doanh thu hàng kỳ (có thể tháng, quý, năm). Đây cũng là một khoản thu nhập tốt, tương ứng với từng hợp đồng và có thể đổ về tài khoản một cách đều đặn nếu tình hình kinh doanh tốt.

Doanh số từ việc bán các nguyên liệu, sản phẩm/dịch vụ

Ngoài số tiền đầu tư ban đầu, hàng tháng bên mua nhượng quyền còn phải nhập nguyên liệu, sản phẩm/dịch vụ của bên bán để kinh doanh. Dù đã có ưu đãi để thúc đẩy kinh doanh nhưng đây cũng là một khoản thu đáng kể đổ về đều đặn hàng tháng giúp tăng lợi nhuận mà bên bán nhượng quyền không phải đầu tư thêm hay tăng chi phí.

Chi phí đào tạo và hỗ trợ

Thông thường, nhiều bên bán nhượng quyền sẽ hỗ trợ miễn phí đào tạo trực tuyến và có các quy trình chuẩn mực để bên mua có thể dễ dàng thực hiện. Tuy nhiên, khi cần đào tạo 1-1 hoặc hỗ trợ chuyên sâu, tư vấn chiến lược … thì bên bán nhượng quyền hoàn toàn có thể tính thêm khoản chi phí này.

Như vậy, nói lợi nhuận khi kinh doanh nhượng quyền bị xé nhỏ cũng đúng. Nhưng cũng có khá nhiều khoản giúp tăng thu nhập cho người bán. Chỉ cần hiểu rõ bản thân, có kiến thức về kinh doanh, đóng gói được sản phẩm/dịch vụ, lựa chọn mô hình phù hợp, bạn chắc chắn thu được dòng lãi ổn định và tăng trưởng mạnh.

Ưu và nhược điểm của mô hình nhượng quyền thương mại

Khi quy mô kinh doanh đạt đến một mức độ nào đó, những người chủ doanh nghiệp sẽ có xu hướng đầu tư mở rộng. Có thể là tăng thêm sản phẩm, mở rộng diện tích, thêm dịch vụ mới, phát triển thêm mạng lưới đối tác/khách hàng hoặc xa hơn là mở thêm địa điểm. Ngay cả việc mở thêm điểm bán cũng có nhiều sự lựa chọn như tự mở mới hoặc nhượng quyền thương mại cho cá nhân/tập thể bên ngoài. Đứng giữa những sự lựa chọn, bạn sẽ làm gì để phát triển công việc kinh doanh của mình?

Anh Phùng Thanh Ngọc – Chuyên gia tư vấn nhân bản và nhượng quyền chuỗi bán lẻ hàng đầu Việt Nam chia sẻ:

“Chúng ta hiểu mô hình nhượng quyền cũng chỉ là một trong các cách thức và loại hình kinh doanh giúp tăng trưởng và phát triển doanh nghiệp. Ngoài nhượng quyền doanh nghiệp sẽ có rất nhiều cách thức để tăng trưởng và phát triển doanh nghiệp, mỗi hình thức sẽ đều có ưu nhược điểm riêng. Bạn cần đánh giá xem hình thức nào phù hợp với doanh nghiệp của mình. Nếu lựa chọn hướng phát triển nhượng quyền cần chú ý các vấn đề nào? Và tập trung những vấn đề nào để tránh nhược điểm và rủi ro của quá trình phát triển theo hướng nhượng quyền”.

Ưu điểm của mô hình kinh doanh nhượng quyền

Trước khi đi phân tích ưu điểm của mô hình nhượng quyền, hãy cùng tìm hiểu một thương hiệu bánh mì đã len lỏi vào từng ngóc ngách và có mặt trong bữa ăn của rất nhiều người dân ở nhiều tỉnh thành của Việt Nam.

Mô hình nhượng quyền của bánh mì Khói

Đó là thương hiệu Bánh mì Khói. Bánh mì khói ra đời vào tháng 7/2020 – khi mà đại dịch Covid-19 đang rất phức tạp. Cho đến nay, sau hơn 3 năm phát triển, Khói đã có mặt ở nhiều tỉnh thành như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng,… Tiềm năng vẫn còn rất lớn để mở rộng thêm nữa. Tuy nhiên trước khi có được ngày hôm nay, bánh mì Khói đã từng trải qua giai đoạn thăng trầm.

Ban đầu Khói cũng triển khai mô hình bán lẻ chuỗi tự mở. Ưu điểm của mô hình này là doanh nghiệp dễ quản lý, thống nhất được nhận diện thương hiệu và đồng nhất được chất lượng sản phẩm cũng như dịch vụ. Tuy nhiên nhược điểm chí mạng lại là cần nguồn vốn mạnh, kỹ năng quản lý và cả tư duy kinh doanh chuỗi. Nếu là một doanh nghiệp, tập đoàn lớn thì điều này hoàn toàn khả thi. Nhưng nếu đó là một doanh nghiệp SME, người khởi nghiệp với số vốn mỏng và ít kinh nghiệm quản lý sẽ rất khó khăn. Cộng thêm các yếu tố biến động của nền kinh tế và bối cảnh xã hội, doanh nghiệp sẽ rất khó trụ vững nếu cứ mở rộng ra nhiều điểm bán.

Các vấn đề của Bánh mì Khói trước khi nhượng quyền thương hiệu

  • Toàn bộ các điểm bán của doanh nghiệp kinh doanh lỗ, doanh thu không đủ bù chi phí
  • Trước đây bán hàng trên App đóng góp 50% doanh thu giờ giảm rất thấp, chi phí khuyến mãi và trừ phí nền tảng cao nên mảng này chịu thua lỗ
  • 12 điểm bán ở Đà Nẵng gần tụt doanh số, chất lượng không ổn định, nhân viên nghỉ việc nhiều, quản lý vận hành vất vả. Có 1-2 điểm đẹp thì bị chủ đòi lại nhà.

Khi ấy, Retail Hub đã khảo sát kỹ lưỡng và quyết định nhiều thay đổi với mong muốn thương hiệu bánh mì này vươn xa hơn. Một trong số thay đổi lớn nhất đó chính là chuyển hướng mô hình kinh doanh từ mô hình chuỗi bán lẻ tự mở sang mô hình nhượng quyền.

Vậy vì sao mô hình này lại có thể giúp Bánh mì Khói vực dậy?

3 ưu điểm của mô hình kinh doanh nhượng quyền.

Ưu điểm thứ nhất là khắc phục được các vấn đề về vốn, kinh nghiệm quản lý và hạ tầng cơ sở. 

Xu hướng hiện nay có rất nhiều tòa văn phòng, khu chung cư đông dân, cuộc sống đô thị bận rộn đòi hỏi nhu cầu ăn uống nhanh gọn và hiệu quả. Việc Khói vươn dài đến từng ngóc ngách để phục vụ bữa ăn cho những khách hàng trong chung cư, thôn xóm, dân công sở, người lao động là bất khả thi và tốn nhiều chi phí. Thay vào đó, nên tận dụng vốn của những người muốn khởi nghiệp, địa điểm tại địa phương và hiểu rõ thị hiếu khách hàng trong khu vực. Đôi bên cùng có lợi và tăng cơ hội thành công cho mô hình nhượng quyền này.

Ưu điểm thứ hai là tận dụng được các lợi thế tại địa phương như nguồn nhân lực, lượng khách vãng lai, sự phát triển của nền kinh tế.

Cách này ngoài ra cũng tối ưu được chi phí và lợi ích trên quy mô. Mô hình nhượng quyền của bánh mì Khói vẫn cung cấp toàn bộ nguyên liệu để các chủ xe bán bánh mì. Nguyên liệu đầu vào lớn, mua được giá tốt nên giảm chi phí trên mỗi chiếc bánh mì. Khách hàng được lợi và cũng tăng thu nhập cho những chủ xe. Ngoài ra, chủ xe thường bán tại những nơi mình quen thuộc nên hiểu tâm lý và thói quen người dân địa phương, tận dụng được lượng khách vãng lai. 

Ưu điểm thứ ba là có thể thuận lợi mở rộng mạng lưới hoạt động một cách nhanh chóng mà ít tốn kém, dễ quản lý và lợi nhuận ổn định.

Anh Ngọc nhấn mạnh: “Mô hình Khói có nhiều lợi thế về mặt thương hiệu, sản phẩm nhưng lại yếu kém trong việc xây dựng cơ cấu quản lý vận hành nhiều điểm bán. Cũng không có lợi thế và năng lực triển khai điểm bán trên khu vực rộng nhiều thành phố khác nhau. 

Kinh doanh nhượng quyền

Vì vậy sau khi phân tích kỹ định hướng nhượng quyền, Retail Hub đã tư vấn Khói chuyển hẳn từ việc phục vụ khách hàng B2C là cá nhân (người tiêu dùng ăn bánh mì) sang B2B là người mua mô hình nhượng quyền xe bánh mì để kinh doanh. Khi được tập trung vào thế mạnh và phân bổ nguồn lực hợp lý, bánh mì Khói đã có thành công đột phá”.

Nhược điểm của mô hình kinh doanh nhượng quyền

Tuy vậy, mô hình này cũng có một số nhược điểm:

– Khó quản lý trực tiếp và khó quy chuẩn hình ảnh do đặc điểm các điểm nhượng quyền phân bố ở nhiều nơi.

– Một số điểm bán kém hiệu quả hoặc không thực hiện đúng cam kết có thể ảnh hưởng đến uy tín của cả thương hiệu.

– Cần dành thời gian và nguồn vốn để quy chuẩn sản phẩm, quy trình, nhân sự, các yếu tố đảm bảo.

Mô hình kinh doanh nào cũng đều có ưu điểm và nhược điểm riêng. Điều quan trọng là chúng ta cần tận dụng được ưu điểm, khắc phục nhược điểm và xác định mô hình phù hợp nhất với doanh nghiệp của mình trong từng giai đoạn phát triển.

Một số tiêu chí để kinh doanh nhượng quyền thuận lợi

Doanh nghiệp của bạn có phù hợp với mô hình nhượng quyền?

Đến đây chắc hẳn bạn sẽ đặt ra câu hỏi, vậy doanh nghiệp của tôi có phù hợp để kinh doanh nhượng quyền?

Thực ra không phải cứ mở được một vài điểm bán và phát triển ổn định là bạn có thể kinh doanh nhượng quyền. Đây không phải miền đất hứa giúp bạn chắc chắn thành công. Nếu bạn chưa tìm hiểu kỹ thị trường, không hiểu rõ bản thân thì dù cửa hàng đang làm ăn phát đạt, càng mở ra bạn lại càng đau đầu và thua lỗ.

Một số tiêu chí cụ thể để kinh doanh nhượng quyền thuận lợi

Với kinh nghiệm triển khai, tư vấn mô hình nhượng quyền và nhân chuỗi cửa hàng thành công nhiều thương hiệu, Retail Hub có đưa ra một số tiêu chí để kinh doanh nhượng quyền thuận lợi và cơ hội thành công cao hơn:

– Có một hoặc vài điểm bán hoạt động ổn định, hiệu quả và muốn mở rộng quy mô

– Sản phẩm linh hoạt, dễ đóng gói và phù hợp với việc nhượng quyền (không yêu cầu khắt khe về kỹ thuật và chuyên môn của bên nhận nhượng quyền)

– Quy trình có thể quy chuẩn và quy trình hóa được

– Có nét độc đáo riêng, thuận lợi cho việc xây dựng câu chuyện thương hiệu và truyền thông sản phẩm/dịch vụ/thương hiệu.

Kinh doanh nhượng quyền thuận lợi nên đi từ thế mạnh của doanh nghiệp

Bạn có mấy yếu tố phù hợp để kinh doanh nhượng quyền? Kinh nghiệm là, để kinh doanh nhượng quyền thành công, nên đi từ chính thế mạnh của doanh nghiệp.

“Khi tư vấn và triển khai mô hình nhượng quyền với bánh mì Khói, chúng tôi khảo sát và quyết định để Khói tập trung làm tốt thế mạnh của mình. Đó là:

1. Hỗ trợ khách hàng đánh giá điểm bán, tư vấn giá thuê tương ứng với sản lượng bánh và doanh số để sớm đạt điểm hòa vốn.

2. Tập trung làm tốt sản phẩm, tối ưu chi phí nguyên vật liệu, đóng gói mô hình, chuẩn bị tài liệu đào tạo nhân sự, làm việc với luật sư để đảm bảo bên mua thực hiện đúng cam kết …

Còn bên khách hàng sẽ tập trung làm tốt những việc là thế mạnh của họ như tìm kiếm điểm bán, thuê nhân sự, quản lý vận hành điểm bán hàng ngày, tìm hiểu thói quen tiêu dùng của khách hàng vãng lai …”. Anh Ngọc chia sẻ thêm.

Đừng quá lo lắng! đây chỉ là thông tin tham khảo, chúng ta cần những đánh giá khách quan và rõ ràng hơn thông qua khảo sát mô hình, dẫn chứng số liệu, lựa chọn hình thức phù hợp với doanh nghiệp của bạn trong từng giai đoạn. Bạn cần biết có những hình thức và mô hình thế nào đang tồn tại để từ đó có căn cứ lựa chọn. 

Các mô hình kinh doanh nhượng quyền phổ biến

Hiện nay có khá nhiều mô hình nhượng quyền để bạn lựa chọn.

  • Nhượng quyền kinh doanh toàn diện (Full business format franchise)
  • Nhượng quyền mô hình kinh doanh không toàn diện (Non-business format franchise)
  • Nhượng quyền có tham gia quản lý (Management franchise)
  • Nhượng quyền có tham gia đầu tư vốn (Equity franchise)

Nhưng cũng vì có nhiều mô hình và thông tin quá nên rất khó để các đơn vị kinh doanh lựa chọn được hình thức phù hợp. Mỗi mô hình lại có đặc điểm riêng và khó có chiếc áo vừa vặn cho tất cả các doanh nghiệp.

Cũng vì lẽ đó, bánh mì Khói lựa chọn kết hợp linh hoạt rất nhiều mô hình nhượng quyền khác nhau và đề cao tối đa hiệu quả kinh doanh của chủ đầu tư (người mua nhượng quyền). Chỉ cần chủ đầu tư đảm bảo việc tuân thủ về thương hiệu cũng như các bí mật kinh doanh được thỏa thuận trên hợp đồng thì Khói sẽ đảm bảo phục vụ khách hàng hiệu quả. 

Các hình thức kinh doanh nhượng quyền mà Khói triển khai bao gồm: độc quyền tại 1 khu vực thành phố, nhượng quyền cùng góp vốn, nhượng quyền theo điểm riêng lẻ,… Việc này giúp các chủ đầu tư có thể lựa chọn sao cho phù hợp với tiềm lực và khả năng của mình. Đây cũng là một gợi ý để bạn có thể tìm ra mô hình phù hợp cũng như sản phẩm mà mình muốn kinh doanh.

Nếu bạn cần chuyên gia Phùng Thanh Ngọc tư vấn hoặc khám bệnh về chuỗi của bạn, vui lòng đặt lịch tại đây hoặc điền form dưới đây để được hỗ trợ:

    Website: https://retailhub.edu.vn/

    Facebook

    Hotline: 09.660.660.83 

    Email: retailhub.edu.vn@gmail.com

    Gọi ngay
    Gọi ngay