Mô hình định vị bản thân – 4 CÂU HỎI KIỂM CHỨNG ĐAM MÊ

Mô hình định vị bản thân – 4 CÂU HỎI KIỂM CHỨNG ĐAM MÊ

1- Mình có giỏi trong mảng đó không?
Nếu có thì làm tiếp được rồi. Còn nếu không thì cần xem xét lại. Hoặc là mình chưa đủ khả năng thì phải tiếp tục trau dồi, tăng trưởng, học hỏi. Còn nếu không phát triển được nữa thì nên bỏ. Chẳng hạn như mình tự thấy khả năng ca hát của mình chỉ tới đó, hát nữa cũng chỉ vậy mà thôi, nên mình không đủ giỏi để có thể làm nó cả đời được. Nên mình từ bỏ hát hò.
Diễn thuyết cũng vậy, mình không phải là một người diễn giả có thể truyền cảm hứng cho cả ngàn ngàn người, mà mình thích làm nhóm nhỏ 10 người thôi. Mình thích làm người chia sẻ. Nên mình tự coi bản thân không quá giỏi trong mảng diễn thuyết, và cũng từ bỏ nó.
Nếu câu trả lời là “không” mà bạn vẫn muốn tiếp tục làm, thì ngay lập tức bạn cần tìm cách để tăng khả năng của mình trong mảng này lên. Có thể đi học, tìm thầy, đọc nhiều hơn, thực hành chăm chỉ và tập trung hơn… nhiều cách lắm.

2- Mình có thể kiếm thu nhập từ nó hay không?
Nếu có thì tốt rồi, bời vì đam mê gì cũng phải có tiền mới duy trì được. Thực ra mình coi “thu nhập” là những gì mình nhận được, thì nó nhiều hơn tiền. Nó có thể là cơ hội, mối quan hệ, nguồn lực, sự giúp đỡ… chứ không chỉ là tiền.
Còn nếu không kiếm được thu nhập từ nó, thì sớm muộn gì cũng nản và phải dừng lại thôi. Chẳng hạn, mình có thể nấu ăn, nhưng để kiếm được thu nhập từ nấu ăn thì cực nhọc lắm, mình không muốn làm điều đó vì mình không tưởng tượng nổi cảnh nhốt mình trong bếp từ sáng tới khuya. Vậy nên mình bỏ.
Kinh doanh cũng vậy, công ty vừa mở ra, thì mỗi người đi một hướng lúc nào không hay. Không có doanh thu, không có thu nhập, thì sớm muộn cũng phải tạm dừng.
Nếu câu trả lời là “không” mà bạn vẫn muốn đi tiếp với mảng này, cho dù không có thu nhập, thì bạn nên cho mình một thời hạn, để khiến mình đủ giỏi, đến mức có thể kiếm được thu nhập từ nó. Trong thời hạn đó, bạn có thể xây dựng nguồn lực và nội lực cho bản thân. Nhớ là phải có thời hạn đó nhé.

3- Mình có giúp được người xung quanh mình nhờ nó hay không?
Nếu có thì tức là cơ hội phát triển của mình có nhiều đó. Bởi vì mọi thứ đến với mình đều đến từ người khác, cụ thể hơn là những người có mối liên hệ với mình. Nếu điều mình làm giúp được họ, thì dễ là điều mình muốn sẽ đến từ họ. Còn mình làm điều chẳng giúp ích gì cho họ thì mình cũng chẳng đạt được điều mình muốn.
Lúc đó, mình thấy làm thiết kế đồ họa cũng vui, nhưng chẳng giúp gì được cho những mối quan hệ mình đang có. Đi du lịch trải nghiệm cũng vậy. Cuối cùng thì mình chỉ coi nó là sở thích mà không xây dựng lên thành đam mê.
Nếu câu trả lời là “không” mà bạn vẫn muốn làm tiếp, thì bạn cần tìm cách sử dụng khả năng đó của mình để giúp ích cho những người xung quanh càng nhiều càng tốt, hoặc là bạn tìm một cộng đồng khác gồm những người cùng thích lĩnh vực này để có thể chia sẻ tốt hơn.

4- Mình có thấy “sung sướng” khi làm nó hay không?
Đối với mình thì đây là câu hỏi quan trọng nhất. Đam mê là một cảm giác, không thể nào ngồi nghĩ, ngồi viết mà ra được đam mê. Phải làm thử, rồi phải cảm nhận chính cảm giác của bản thân mình. Nếu cảm giác đó là “sung sướng”, hay gì đó đại loại vậy, thì hãy đi tiếp.
Còn nếu không có chút sung sướng nào mà chỉ thấy mệt, thấy khổ, thấy đau, thì có thể cân nhắc dừng lại nhé.
Lúc đó, mình thử tổ chức sự kiện, và thấy làm xong mệt thí mồ. Vui thì có vui nhất thời lúc đó nhưng không thấy sướng. Nên mình cũng quyết định dừng lại.
Cuối cùng thì câu trả lời của mình đã dẫn dắt mình tới mảng đào tạo và phát triển con người, và bây giờ là điều phối, tham vấn, khai vấn, giúp mọi người nhận ra ước mơ, đam mê của mình là gì. Cũng vì bản thân mình có rất nhiều trải nghiệm và cung bậc thăng trầm trong quá trình tìm ra nó.
Vậy bạn thử xem sao nhé! Với mỗi điều mình làm, thử hỏi 4 câu hỏi trên. Và câu trả lời nào là “không” thì đó chính là vấn đề bạn cần giải quyết để khám phá ra đam mê của mình đó.

Nguồn: Sưu tầm

Phùng Thanh Ngọc – Cảm ơn vì đã đọc đến đây – Nếu bạn thấy “giá trị” hãy chia sẻ để mọi người hiểu đúng làm hiệu quả Marketing. Ngọc sẽ lần lượt xây dựng các nội dung Marketing cho các ngành khác nhau. Đâu là ngành các bạn muốn xuất hiện trong bài viết tiếp theo, comment nhé: B2B, Đào tạo, Bất động sản, Nhà hàng, Ngành bán lẻ khác?

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gọi ngay
Gọi ngay